Hotline: 0972 999 661

Hà Nội: Nổ lớn tại cửa hàng thiết bị vệ sinh

Khoảng 2h sáng ngày 24/10, tại cửa hàng bán thiết bị vệ sinh cao cấp Hoài Anh, 12R Cát Linh (quận Ba Đình) đã xảy ra vụ nổ lớn, phá hỏng toàn bộ cánh cửa sắt của cửa hàng, hất tung bánh sau xe máy dựng tại tầng một và phá vỡ nhiều thiết bị vệ sinh.

Nhiều tấm gương lớn, lavabô treo trên tường của cửa hàng vật liệu xây dựng Quang Hà (12A Cát Linh, là hộ liền kề nhà 12R Cát Linh) bị sức ép của vụ nổ rơi xuống đất, vỡ tan. Ước tính giá trị thiệt hại của vụ nổ khoảng 40 triệu đồng.

Qua điều tra tại hiện trường cho thấy, vụ nổ có thể bắt nguồn từ một vật liệu nổ bị ném từ ngoài vào cửa hàng qua khe cửa sắt kéo. Nhận định ban đầu, đây có thể là một vụ cạnh tranh làm ăn không lành mạnh.

Hiện vụ việc vẫn đang được Công an quận Ba Đình và Công an phường Cát Linh điều tra, làm rõ.

Theo P.Long

Thiết bị phụ trợ trong nhà vệ sinh

Máy sấy tay dùng điện có cơ chế hoạt động của máy tương tự như máy sấy tóc. Sau khi rửa tay, thay vì dùng khăn lau, bạn chỉ cần đưa tay vào phía dưới máy sấy, sẽ có một luồng hơi nóng tỏa ra làm khô tay cho bạn, thật tiện lợi.

Hiện trên thị trường có hai loại: phun hơi bằng cảm ứng và điều khiển tay (bằng công tắc bật). Máy sấy cảm ứng được trang bị một "mắt thần" nhận diện, sẽ tự phun hơi nóng khi có tay đưa vào, và tự tắt khi ta rút tay ra. Giá bán loại Moel to của Italia là 1.550.000 đồng, Royal (Nhật) 1,9 triệu đồng, Toto (Nhật) khoảng 2,5 triệu đồng.

Với mức kinh phí "khiêm tốn" hơn, bạn có thể dùng loại điều khiển tay. Hàng Moel nhỏ giá 450.000 đồng, Super Human (Trung Quốc) 850.000 đồng, Guste (Đài Loan) 900.000 đồng. Một điểm tiện lợi của máy Guste là bộ phận sấy tay có thể tháo rời dễ dàng để sử dụng như một máy sấy tóc bình thường.

Hộp phun xà phòng

Thông dụng và rẻ tiền là các loại có bầu đựng bằng nhựa và vòi bằng inox, giá xê dịch từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng. Cao cấp hơn, có loại hàng Trung Quốc hiệu TI, giá 750.000 đồng, còn loại của Đài Loan giá khoảng 1.250.000 đồng.

Thiết bị xả nước thông minh

Có thể dễ dàng gắn vào các loại bàn cầu có sẵn. Loại dùng cho xí bệt có các chức năng xả nước ở các nhiệt độ và sau đó tự hong khô, không cần dùng giấy. Tuy nhiên, giá của thiết bị này khá cao. Máy Ko Woo Hàn Quốc liên doanh giá hơn 300 USD, HCG của Hà Lan khoảng 450 USD. Giá thiết bị Toto "xịn" lên tới 750 USD (hàng liên doanh khoảng hơn 300 USD). Đối với bàn cầu nam, bạn có thể mua bộ cảm ứng tự xả nước để lắp thêm vào kết cấu đã có. Hàng bán trên thị trường chủ yếu do Đài Loan sản xuất, giá khoảng 2,5-2,8 triệu đồng.

Địa chỉ tham khảo

- Cửa hàng Dũng Điệp (Công ty TNHH Tân Thanh): 1E Cát Linh, ĐT: 7322163.

- Cửa hàng Hùng Hiền (Công ty H&H): 36 Cát Linh, ĐT: 8234175.

- Siêu thị nội thất Thanh Tâm (Công ty TNHH Tâm Tụ): 19 Cát Linh, ĐT: 8452648.

- Cửa hàng Hùng Túy: 26 Cát Linh, ĐT: 8439050.

- Trung tâm Thương mại Hoàng Tử: 20H Cát Linh.

SGTT

Lần đầu tiên chế tạo thiết bị vệ sinh tự hoại trên tàu

Công ty Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) vừa chế tạo 2 bộ thiết bị xử lý vệ sinh tự hoại trên tàu. Qua kiểm nghiệm tĩnh, thiết bị được chuyên gia Mỹ đánh giá là đạt tiêu chuẩn. Tháng 9 tới, chúng sẽ được lắp trên toa tàu khách Thống Nhất nhằm kiểm nghiệm thực tế trước khi đưa vào sản xuất đại trà.

Ông Bùi Bá Nhuận, Giám đốc Công ty Xe lửa Gia Lâm, cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thiết bị vệ sinh tự hoại trên tàu. Qua một quy trình khép kín, chất thải từ toilet sẽ được xử lý thành nước không mùi, khi đổ ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Giá thành một bộ thiết bị là 100 triệu đồng, giảm 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.

Hiện Việt Nam duy nhất có đoàn tàu kéo đẩy SP chạy tuyến Hà Nội - Sapa được lắp thiết bị vệ sinh tự hoại nhập của Mỹ. Còn tất cả đoàn tàu đều đổ chất thải trực tiếp từ toilet ra đường ray, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Như Trang

Xuất khẩu thiết bị vệ sinh sang Nhật

Bà Phùng Thị Thùy Linh, trưởng phòng kinh doanh Công ty sứ Thiên Thanh (TP.HCM), cho biết chuẩn bị xuất sang Nhật cho Công ty Asahi 6.000 bộ thiết bị vệ sinh trong nhà tắm, trị giá khoảng 60.000 USD.

Theo bà Linh, các sản phẩm xuất sang Nhật có tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Ngoài thị trường Nhật, Thiên Thanh đã ký được hợp đồng dài hạn với Thụy Điển và Úc cho các sản phẩm bồn rửa mặt và bình lọc nước với tổng hợp đồng trị giá gần 600.000 USD.

Tin, ảnh: T.V.N

Thật giả thiết bị vệ sinh

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thiết bị vệ sinh do doanh nghiệp (DN) trong nước, DN liên doanh sản xuất và nguồn hàng nhập khẩu từ Nhật, Italy, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh hàng chính hãng là vô số hàng nhái, giả, nhất là các loại phụ kiện và các thiết bị đi kèm. Người mua không rành rất dễ bị nhầm lẫn.

Giống như sản phẩm gạch lát, hầu hết các DN sản xuất sứ vệ sinh (bàn cầu và lavabo) đều nhập dây chuyền công nghệ từ các nước tiên tiến, vì vậy chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Nước men, màu sắc, đặc biệt là hệ thống 2 độ xả ứng dụng hiệu ứng xi-phông xả êm, sạch mà tiết kiệm đến phân nửa lượng nước không thua kém hàng ngoại nhập. Song, gần đây nhiều người tiêu dùng khi sử dụng bàn cầu nội đã gặp phải trường hợp bị rò rỉ nước từ bồn xả với một lượng nước hao hụt đáng kể mà không sao khắc phục được.

Những nhãn hiệu sứ vệ sinh nhập ngoại đã có mặt từ lâu trên thị trường, như: Villerog & Boch (Đức), Toto (Nhật), Cotto (Thái Lan), Ariston (Italy), Emily (Đài Loan), Champion (Thái Lan), Kelim (Hàn Quốc)... hiện vẫn thu hút người tiêu dùng nhưng theo giới kinh doanh, khi mua cần đặc biệt quan tâm đến các phụ kiện vì rất dễ bị người bán đánh tráo phụ kiện “dỏm”.

Chị Hồng Cẩm, chủ cửa hàng chuyên doanh sứ vệ sinh Minh Trang ở đường Lý Thường Kiệt, quận10, TP HCM cho biết: “Có lẽ khách hàng chọn mua hàng ngoại không chỉ để an tâm về chất lượng mà còn là vấn đề tâm lý. Chính quan điểm “sính ngoại” này mà hàng nhái, giả vẫn còn chỗ để tồn tại”.

Đi kèm với thiết bị sứ vệ sinh là các thiết bị không thể thiếu như vòi lavabô, vòi xả, vòi sen... Nhìn những chiếc vòi nước mang các thương hiệu đang “ăn khách”, như: Toto, Yoko (Nhật), Croche (Đức), Joden (Hàn Quốc), Coma, Inda, Flexton, Newform (Italy)..., nếu không phải là người am hiểu thì khó mà phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, giả bởi chúng giống nhau từ kiểu dáng, kích cỡ, nhãn mác đến lớp xi mạ bóng loáng.

Phần lớn hàng nhái, giả mang nhãn hiệu cao cấp được nhập lậu từ Trung Quốc. Còn hàng giá “bèo” thường có xuất xứ từ... Chợ Lớn. Loại hàng “dỏm” này rất nhanh hỏng bởi các linh kiện bên trong đều được sản xuất từ vật liệu không đúng chủng loại. Chẳng hạn cốt vòi nước thay vì bằng inox thì được làm bằng nhựa cứng; van đóng-mở đúng kỹ thuật phải là gốm thì được thay bằng nhựa giòn và các bánh răng giữa cốt cũng bị tình trạng tương tự nên rất dễ gãy, vỡ hoặc khóa không chặt gây rò rỉ nước.

Ông Đặng Cao Khanh, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cơ khí xây dựng Tân Định, sản xuất và kinh doanh vòi sen hiệu Valta, Fico, cho biết: “Các loại thiết bị vòi sen giả thường có độ bền rất thấp. Sau một thời gian sử dụng lớp xi mạ sẽ bong tróc, núm vặn tuột răng, vòi bị nghẹt nước hoặc rò rỉ nước”. Loại hàng rởm thường có giá bán chỉ bằng 25 - 50% giá hàng chính phẩm. Chẳng hạn vòi lavabo hiệu Joden của Hàn Quốc giá khoảng 1,1 triệu đồng/bộ, còn hàng “dỏm” của Trung Quốc chỉ khoảng 220 - 250 nghìn đồng/bộ.

Theo giới kinh doanh, hiện nay vòi sen tắm là sản phẩm bị nhái, giả nhiều nhất do có giá bán khá cao, nhiều lợi nhuận. Vòi sen thường đi theo bộ gồm vòi sen và vòi xả dính liền nhau. Những trục trặc thường gặp đối với loại hàng “dỏm” là tuột núm vặn, dây dẫn thường bị gãy, móp gây kẹt nước, làm giảm áp lực nước. Đối với loại hàng này chỉ cần hư 1 trong 2 núm vặn hay cần gạt (điều khiển nóng và lạnh) là phải bỏ nguyên cả bộ vì ít có phụ tùng lẻ để thay thế.

Các nhãn hiệu đang bán chạy nhất là Cotto, Toto, American Standard... Loại có giá bán cao nhất hiện nay là Villerog & Boch lên đến khoảng 10 triệu đồng/bộ; hàng Cotto giá trung bình khoảng 3,8 - 5 triệu đồng/bộ; hàng American Standard có giá linh hoạt từ 900.000 đồng đến 4 triệu đồng/bộ... Cùng nhãn hiệu nhưng giá bán cao hay thấp là tùy thuộc vào kiểu dáng, chủng loại...

(Theo Người Lao Động)

Thiết bị vệ sinh thông minh

Đó là thiết bị phụ được gắn vào thiết bị vệ sinh với chức năng tự động hóa quy trình vệ sinh thân thể, sử dụng nước làm sạch (không dùng giấy) kết hợp với sấy khô bằng luồng khí. Với thiết bị (bidet) này, có thể phòng chữa các bệnh như trĩ, táo bón, viêm nhiễm...

Đối với hệ thống vệ sinh thông thường, bạn chỉ cần lắp thêm thiết bị này là có thể biến nó thành "thông minh" như bidet. Hiện có 2 loại là bidet điện tử và bidet cơ, chủ yếu là hàng của Hàn Quốc.

Bidet điện tử

Được điều khiển bằng nút bấm tự động, đặt phía tay phải cùng các hướng dẫn, ký hiệu khác nhau, thiết bị sẽ vận hành tự động các chức năng rửa tự động bằng nước, sấy khô bằng luồng khí ẩm. Vòi làm sạch có thể di chuyển linh hoạt thích ứng với từng cơ thể khác nhau, tăng cảm giác thoải mái. Đặc biệt có thêm vòi dùng riêng cho phụ nữ.

Thiết bị này đều có chức năng làm sạch bồn điều chỉnh nhiệt độ. Bên cạnh đó, thiết bị có thể tự động kiểm tra giúp điều chỉnh kịp thời phát hiện được các bộ phận hỏng hóc của sản phẩm và có khả năng khử mùi bằng tia cực tím, tránh mọi mầm bệnh và vi khuẩn, đồng thời tạo cho phòng mùi thơm dịu dàng. Thiết bị còn kiểm soát cả áp suất ghế và nắp đậy giúp đóng mở một cách nhẹ nhàng, không gây tiếng ồn và tránh hỏng hóc do va đập mạnh.

Một chức năng tiện ích khác của bidet là nó có thể lưu nhớ được 30 bản nhạc nổi tiếng để bạn thư giãn. Hiện nay thị trường có 2 nhãn hiệu là Kowoo và Daewoo với các màu trắng, trắng ngà, mận chín, hồng nhạt, xanh nhạt, với giá trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng/bộ.

Bidet cơ

Loại này được điều chỉnh bằng những nút xoay và vặn. Cấu tạo đơn giản và chỉ có các chức năng chính như rửa, sấy khô... Hiện trên thị trường có 2 loại chính là HB - 50 với 1 nút điều chỉnh áp suất nước duy nhất phù hợp với cảm giác của người sử dụng và HB - 150, có thêm nút điều chỉnh nhiệt độ nước (đều của Hàn Quốc). Thiết bị của Hyundai và Seojin có giá dao động trong khoảng 500.000-700.000 đồng/bộ. Bạn có thể tự lắp hoặc nhân viên của hãng sẽ giúp bạn chỉ trong vòng 15 phút.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Thị trường thiết bị vệ sinh: Sôi động vào mùa

Cuối năm, mùa xây dựng cũng là dịp thị trường thiết bị vệ sinh sôi động vào mùa. Sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm thiết bị vệ sinh giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn cho căn nhà của mình.

Đa chủng loại - nhiều cấp giá

Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là đến các đại siêu thị, trung tâm trưng bày VLXD để lựa chọn sản phẩm. Tại đây, khách hàng có thể tha hồ lựa chọn rất nhiều loại sản phẩm, giá cả được niêm yết lại có tư vấn sử dụng rất nhiệt tình… tạo sự thoải mái và yên tâm khi mua sắm. Có lẽ vì thế, sau khi những siêu thị lớn chuyên về vật liệu xây dựng mở ra thì hàng loạt các cửa hàng mua bán thiết bị vệ sinh trên các con phố Cát Linh, Trường Chinh, Nguyễn Duy Hưng, Mê Linh Plaza… trở thành các điểm mua sắm nhộn nhịp khi mùa xây dựng đang đến.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu trang thiết bị cho phòng tắm, các hãng trong nước có Viglacera, Sơn Hà, Thanh Trì, các hãng nước ngoài thương hiệu nổi tiếng như TOTO (Nhật); Ariston (Italy), Emily (Đài Loan), Champion (Thái Lan), Kelim (Hàn Quốc)... Theo chị Lan Anh, chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh trên phố Tô Hiến Thành, Quận 10, TP.HCM thì các sản phẩm của các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam như TOTO, Ariston... đang nhận được sự ưu tiên lựa chọn của các gia đình đang xây nhà đón năm mới. Ưu điểm nổi bật của các sản phẩm này là chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, có bảo hành và giá rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự của Tây Ban Nha, Italia nhập khẩu.

Để chọn được hàng phù hợp

Có thể nói, trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm nhái, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, hàng nhái được làm rất tinh vi từ con tem tới kiểu dáng. Khách hàng thiếu kinh nghiệm sẽ mua phải sản phẩm kém chất lượng nhưng lại có mác "xịn". Giá thành của các sản phẩm "nhái" thường thấp hơn so với giá niêm yết của sản phẩm chính hãng. Vì vậy, khi mua thiết bị vệ sinh, nếu mua hàng nhập khẩu, tốt nhất nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất sứ, chế độ bảo hành của cửa hàng. Bên cạnh đó, khi mua thiết bị sứ vệ sinh cần chú ý các linh kiện kèm theo đề phọ̀ng thiếu hoặc linh kiện kèm theo không đúng chủng loại, không đồng bộ.

Theo kinh nghiệm của các kiến trúc sư, để đánh giá chất lượng thiết bị sứ vệ sinh, người mua cần dựa vào các chỉ tiêu: bề mặt men, độ rạn men; chế độ xả nước... Chẳng hạn với chậu rửa, bàn cầu cao cấp, công nghệ chống dính mới sẽ làm cho bề mặt thiết bị láng bóng, ngăn chất bẩn, vi khuẩn, nấm mốc bám vào. Riêng với bàn cầu, tiêu chí quan trọng nhất là lớp men bề mặt, chế độ xả nước.

Trên thực tế trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thiết bị vệ sinh với nhiều loại chất liệu khác nhau như đá tự nhiên, đá nhân tạo, kính, composite, arcrylic, inox... và mỗi chất liệu có những ưu điểm và cách lựa chọn riêng. Với các sản phẩm chậu rửa, chất liệu đá tự nhiên hoặc thuỷ tinh, kính cũng đang thu hút sự quan tâmcủa người tiêu dùng khi muốn tìm sự khác biệt, độc đáo về chất liệu và kiểu dáng. Ngoài ra, các sản phẩm chất liệu nhựa compochasite như bồn tắm, khay trong bồn tắm đứng, với ưu điểm nhẹ, giá cả phải chăng cũng được nhiều người lựa chọn. Chính vì lẽ đó, khi có nhu cầu mua sắm thiết bị vệ sinh, bạn nên tham khảo ý kiến của các chủ kinh doanh, các kiến trúc sư để có được những gợi ý tốt, “cân đối” kinh phí rồi hãy quyết định chọn hàng.

HT

Chọn mua thiết bị vệ sinh

Trên thị trường hiện nay, đồ sứ vệ sinh rất phong phú về chủng loại, nhãn hiệu, kiểu dáng. Đây là loại thiết bị cần phải cân nhắc, chọn lựa kỹ bởi chỉ cần một sự "lạc điệu" cũng có thể gây khó chịu cho người dùng, do thời hạn sử dụng của chúng rất lớn, có thể đến 20 năm.

Với không gian nhà thoải mái, tiện nghi, diện tích xây dựng một phòng vệ sinh phải khoảng 5m2, đủ để lắp đặt lavabo, bồn cầu, bồn tắm, vòi sen và các phụ kiện khác. Nếu diện tích khu vệ sinh quá nhỏ thì bồn tắm không cần thiết.

Trước đây, thiết bị vệ sinh của Thái Lan chiếm độc quyền, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày nay, trên thị trường không còn sự hiện diện của hàng Thái Lan. Theo một số người bán, hàng sản xuất tại Việt Nam đảm bảo chất lượng, thậm chí còn hơn hẳn Thái Lan, giá thành lại rẻ.

Thiết bị vệ sinh hiện nay có thể phân chia làm hai loại: hàng Việt Nam và hàng liên doanh. Hàng Việt Nam có sứ Thanh Trì (Viglacera), Thanh Thanh, Long Hầu, Tường An... Hàng liên doanh có các nhãn hiệu Paloma, Caescar, Inax, Caravelle, Toto, Milan... với xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc...

Một bộ thiết bị vệ sinh thông dụng thích hợp với đa số người sử dụng (bồn cầu, lavabo, vòi sen, gương...) có giá dao dộng từ 1 đến 5 triệu đồng, phụ thuộc vào nhà sản xuất và màu sắc của thiết bị. Rẻ nhất là màu trắng, rồi đến hồng, xanh, kem, xanh đậm, đỏ đậm... Thông thường, màu đậm giá nhích hơn màu nhạt và có thể phụ thuộc vào loại một nút bấm hay hai nút bấm xả (nước ít, nước nhiều) chứ ít khi phụ thuộc vào kiểu dáng (cao, thấp, to nhỏ...). Hiện nay, có loại bồn cầu liền khối, kiểu dáng mới, gọn, giá thành cao hơn so với các loại thông thường. Bồn rửa mặt có tủ làm bằng vật liệu composite giá khoảng 2 triệu đồng/bộ.

Về chất lượng, theo ý kiến của một số người bán hàng, chất lượng thiết bị vệ sinh phụ thuộc vào giá cả. Theo nhận xét của một số người tiêu dùng, chất lượng phụ thuộc vào linh kiện kèm theo. Để đánh giá chất lượng thiết bị sứ vệ sinh, người mua cần dựa vào các chỉ tiêu: độ hút nước không lớn hơn 0,5 %; không cho phép rạn men; bề dày xương không nhỏ hơn 6 mm; mặt men gợn sóng không nhiều hơn 1 "vuông gốm"; ít́ sạn và lỗ mọt trên mặt men thấy được phân tán tổng số không quá 5; đốm hoặc vết nước chấm trên bề mặt thấy được không quá 3/1 "vuông gốm" và tổng số không quá 10; không được thiếu men trên các bề mặt quan trọng; độ cao mực nước ngăn hơi không nhỏ hơn 50 mm; khả năng xả chất thải không nhỏ hơn 25,5 điểm; khả năng chịu tải không nhỏ hơn 3KN...

Khi mua thiết bị sứ vệ sinh cần chú ý các linh kiện kèm theo. Đề phọ̀ng trường hợp người bán giảm giá thành mà linh kiện kèm theo không đúng chủng loại, không đồng bộ. Hiện nay, chỉ riêng hàng sứ là sản xuất tại Việt Nam, còn các linh kiện đều phải nhập ngoại, tùy theo hàng liên doanh với nước nào. Dựa vào các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, một bộ thiết bị vệ sinh đạt yêu cầu là phải thoát nước mạnh, nhanh, sạch, cấp nước nhanh, tiết kiệm nước, không gây ra tiếng kêu, men phải tốt, trơn láng, khó bám bẩn, các joăng đệm phải kín...

Một điều quan trọng khi lựa chọn là màu sắc. Màu của thiết bị vệ sinh phải tùy thuộc vào màu gạch lát nền, đẹp, nh́ìn không chói. Theo kinh nghiệm của một số người, nên phối màu theo kiểu tương phản với màu gạch tổng thể của pḥòng toilet để làm nổi bật không gian chung. Màu kem là kén nhất. Bản thân màu này không mới, nếu phối hợp màu tốt, sẽ làm cho khu vệ sinh sáng, nếu không sẽ gây nên t́ình trạng nh́ìn bị cũ, không đẹp.

Cần nên tham khảo một số giải pháp mà người bán hàng đề nghị và tham quan một số nhà vệ sinh có màu phối đẹp trước khi quyết định chọn mua. Trong điều kiện sử dụng gia đình, nên chọn thiết bị vệ sinh có màu sáng. Màu đậm chỉ dùng cho các khách sạn, nhà hàng hay những nơi công cộng.

Một điều cần chú ý nữa là kích thước của thiết bị vệ sinh. Nên chọn sản phẩm vừa, tương hợp với diện tích phọ̀ng.

(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

Chọn thiết bị vệ sinh theo chất liệu

Trước đây, khi nói đến thiết bị vệ sinh, người ta nghĩ ngay đến sứ. Nhưng hiện nay đã có nhiều chất liệu khác nhau để tạo nên thiết bị vệ sinh như sứ, đá tự nhiên, đá nhân tạo, kính, composite, arcrylic, inox...

Mỗi chủng loại mang nét đặc trưng riêng, cả về tính năng sử dụng, độ bền và yếu tố thẩm mỹ. Sự phong phú về chất liệu cung cấp cho người tiêu dùng nhiều cơ hội chọn lựa và cả sự... đắn đo. Chọn chất liệu nào để có thiết bị vệ sinh phù hợp?

Sứ vệ sinh

Thế mạnh của sứ vệ sinh tráng men là nhẹ, pha tạo được nhiều sắc màu, mẫu mã và giá tương đối rẻ so với hàng nhập ngoại cũng như so với các chất liệu khác. Trang thiết bị phòng vệ sinh thường được sử dụng nhiều nhất là hàng sứ tráng men sản xuất trong nước do có giá vừa túi tiền, chỉ có hàng nhập của Italy, Tây Ban Nha thì rất cao.

Đặc điểm của sứ vệ sinh sạch dễ lau chùi và mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập, biết phối màu và bố trí thì phòng cũng sang trọng không kém các chất liệu đắt tiền khác.

Đá tự nhiên và nhân tạo

Đá tự nhiên thường được dùng để làm mặt bàn rửa mặt, trang điểm, bàn để lồng bồn tắm... Sắc diện của đá tự nhiên đã tạo nên yếu tố thẩm mỹ cao vì không tấm nào giống nhau hay trùng lắp về vân hay màu.

Tuy nhiên, đá thiên nhiên có độ mao rỗng trong cấu trúc nên dù bề mặt được mài phẳng nhưng vẫn có độ thấm nước và cũng có thể vỡ nếu va chạm mạnh.

Các loại đá thường được dùng làm bàn rửa mặt

Đá nhân tạo không nung, sử dụng khoảng 70% bột đá, đá nghiền tự nhiên và 30% là keo resin gốc polymer làm chất kết dính cứng và đúc theo khuôn mẫu. Do vậy, sản phẩm nhẹ hơn loại bằng đá tự nhiên khoảng 30%. Ví dụ, bồn cầu được đúc liền giữa bộ phận ngồi với két nước thành một khối, nắp cũng bằng đá và nặng khoảng 70 kg.

Nhờ sử dụng bột đá tự nhiên và hóa màu nên có thể tạo thành các sắc diện chính như đá hoa cương, đá cẩm thạch, mã não... Do kết cấu cốt liệu khá đơn giản và kết dính bằng keo đặc biệt nên có thể chế tác sản phẩm đa dạng như bồn rửa mặt, bồn rửa chén, bồn cầu, bồn tắm, mặt bàn bếp, mặt bàn quầy, cột trang trí...

Lợi thế của việc “đúc nguội” là tạo được nhiều dáng dấp và kiểu cách. Chẳng hạn, bàn bếp hay bàn lavabo bằng đá tự nhiên thì phải khoét lỗ để lồng bồn rửa bằng chất liệu khác vào, nhưng sản phẩm bằng đá nhân tạo có thể đúc liền bàn và bồn thành một mặt mà không có khớp nối.

Thiết bị bằng kính, inox, composite

Kính trong thường được gia cường bằng phương pháp nung nóng chảy và làm nguội nhanh. Kính này ứng dụng tốt trong thể hiện các mặt, chân bàn, ngăn tủ cũng như bồn rửa trong phòng vệ sinh. Việc lau chùi tiện lợi và trông sạch sẽ. Hàng kính có giá tương đương với đá tự nhiên và trang bị sản phẩm bằng kính thường có tính hiện đại, sang với hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt.

Kính làm vách ngăn khu khô và ướt trong phòng vệ sinh

Chất liệu inox cũng được dùng làm các loại bồn hay tạo mặt bàn nhưng nó chỉ có một màu kim khí. Ưu điểm là nhẹ, giá rẻ và vệ sinh sạch. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người đây là loại "tầm tầm bậc trung" trên thị trường hiện nay.

Sản phẩm bằng inox không có vẻ mỹ thuật lắm và không tạo dáng tốt được do phải hàn, dập, gò. Một chất liệu nữa là nhựa composite. Sản phẩm chính thường thấy là bồn tắm và khay trong buồng tắm đứng vì nó chỉ tận dụng được một mặt làm láng, còn mặt trái vẫn để thô ráp, lộ ra những sợi thủy tinh.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Công ty Petech đưa nhà vệ sinh thông minh sang Barbados

Tin khoa học

Công ty cổ phần khoa học công nghệ P.E (Petech) sẽ xuất khẩu 12 nhà vệ sinh (NVS) công cộng thông minh (TS ngày 12-4-2006) sang Barbados theo hợp đồng ký kết với đối tác ở Trinidad & Tobago - ông Phan Trí Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty Petech, cho biết tại buổi tọa đàm “Ứng dụng NVS công nghệ cao tại các đô thị VN” vào sáng qua (5-5).

Petech đã hoàn thành dòng NVS tự động mới có tên GC-707 Double và hai NVS đầu tiên sẽ sang Barbados trong thời gian sắp tới với giá thành 39.000 USD/cái. Dòng NVS GC-707 Double có hệ thống cửa thông minh, giội tự động, khử mùi, cấp không khí tươi, nhạc, nhắc nhở khi gần hết lượt sử dụng...

Tại TP.HCM, NVS tự động được đặt ở bốn điểm: bên hông Nhà văn hóa Thanh niên, công trường Mê Linh, công viên bến Bạch Đằng và nhà thi đấu Nguyễn Du.

Ông Dũng cũng cho biết thêm tính đến nay, theo các hợp đồng đã được ký kết từ 6-2007 đến 6-2008 Petech sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 150 NVS với tổng trị giá 2,3 triệu USD.

VI THẢO

Tách ép nước từ bã sắn tươi

Nhiều năm nay những nhà máy sản xuất tinh bột đã rất đau đầu để xử lý bã sắn tươi. Bã sắn tươi thải ra môi trường thường gây mùi chua và hôi thối.

Khi phân tích bã sắn, Th.S Bùi Trung Thành, khoa cơ khí Trường ĐH Công nghiệp, nhận thấy trong bã có đến 70-74% là xenlulô, 20-22% protein, 2-5% tinh bột. Ông Thành kết luận: nếu bã sắn được ép tách nước và sấy khô kịp thời không những có thể tái sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, chất lượng tương đương với cám, bột ngô mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường khu vực nhà máy sản xuất...

Phải mất đến sáu năm nghiên cứu, Th.S Thành mới hoàn thiện chiếc máy ép tách nước và sấy khô bã sắn kiểu ép vít.

Được biết, hiện cả nước có đến 44 nhà máy sản xuất tinh bột công nghiệp, hằng năm thải ra môi trường khoảng 1 triệu tấn bã sắn tươi. Không chỉ gây ô nhiễm ở nhà máy sản xuất, bã sắn tươi còn được thải ra sông rạch, gây ô nhiễm nguồn nước.

THU THẢO

Nước Anh quá nặng!

Nước Anh cân nặng 24 triệu tỉ tấn, và Oxford là thành phố nặng nhất của nước này, theo một nghiên cứu mới của Đại học Kỹ thuật ở Vienna (Áo) và Đại học Leeds (Anh).

Nghiên cứu nhận thấy mặc dù có nhiều núi đồi, nhưng Scotland thực tế nhẹ hơn Anh và Xứ Wales, trong khi Oxford nặng hơn bất cứ nơi nào khác của Anh, và Cornwall, North Scotland là những khu vực nhẹ nhất. Số liệu cho thấy nước Anh nặng hơn nước Đức tính theo kilômet vuông, nhưng nhẹ hơn Áo nhiều, với rặng núi Alpes và nền móng nhiều đá của nó làm nước này là nước nặng nhất châu Âu.

Các nhà khoa học thuộc hai đại học kể trên đã tính sức nặng dựa trên bề dày của vỏ Trái đất nơi một khu vực đã cho. Họ nhận thấy Áo nặng 9,4 triệu tỉ tấn, tức 112 nghìn tỉ tấn/km2, và do đó nặng hơn tính theo mỗi kilômet vuông so với bất cứ nước nào khác tại châu Âu. Nước Đức láng giềng nặng 28 triệu tỉ tấn, mặc dù về mặt diện tích nước này lớn gấp bốn lần, tức chỉ 78,4 tỉ tấn/km2.

Q.HƯƠNG

Dịch vụ vệ sinh nhà đón tết "hốt bạc"

Dịch vụ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa đón tết năm nay tại TPHCM rất được mùa bởi nhiều cơ sở ngay từ ngày 20 tháng Chạp đã phải ngưng tiếp nhận đơn đặt hàng vì lịch làm việc đã kín.

Có thể nêu trường hợp ở cơ sở dịch vụ Đô Thị Xanh. Lực lượng lao động của Đô Thị Xanh không phải là ít (40 nhân viên), thế nhưng từ sau ngày 20 tháng Chạp, cơ sở đã phải ngưng không nhận cung cấp dịch vụ theo giờ nữa và nếu có nhận thì chỉ nhận đến nhà làm dịch vụ trọn gói: lau chùi kiếng, giặt thảm, màn, ghế…

Đô Thị Xanh không phải là trường hợp cá biệt vì nhiều “đồng nghiệp” khác như DNTN Mỹ Hòa (trụ sở tại Hoàng Diệu quận 4), Công ty Bảo Ngọc (176/1 Trần Huy Liệu quận Phú Nhuận), Công ty Việt Anh (75/6A/22 Quang Trung quận Gò Vấp), Công ty Vệ My (21 Nguyễn Đình Chiểu quận 1), Công ty Lâm Gia Hòa (111/4C khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12)… cũng trong tình trạng tương tự.

Khi nhận được đơn đặt hàng, các cơ sở cho nhân viên đến tận nơi khảo sát thực tế để có cơ sở báo giá với gia chủ. Do phải cạnh tranh nên không cơ sở nào dám lấy giá quá cao thế nên biểu giá dịch vụ vệ sinh tại gia năm nay khá bình ổn.

Giặt thảm sàn thì khoảng 6.000 - 7.000 đồng/m2 còn nếu chủ nhà chọn cách tính theo trọng lượng thì khoảng 150.000 đồng/tấn.

Giặt ghế sofa dao động từ 120 - 200.000 đồng/cái tùy “độ khó”. Bộ salon từ 180 - 220.000 đồng. Ghế văn phòng: 12 - 22.000 đồng/cái. Màn cửa: 15 - 20.000 đồng/kg. Rèm lá văn phòng: 15.000 đồng/m2. Đánh bóng sàn nhà: 6.000 đồng/m2…

“Đồ nghề” để “tác nghiệp” là các loại máy chuyên dùng hiện đại như máy vừa phun, vừa hút, vừa thổi kiêm sấy khô được dùng để giặt ghế sofa hay salon bọc vải kaki, nệm Kymdan... Do thiết bị quá đặc thù nên không lạ là mặt bằng giá dịch vụ luôn cao.

Chị Lê Mỹ Hoà (chủ doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hòa) cho biết trên lý thuyết thì hễ có khách hàng là quý rồi thế nhưng thật ra không phải ai cũng như ai bởi khách hàng là hộ gia đình có một số điều kiện “kém” thu hút so với khách hàng là các công ty.

Rất hiếm khách hàng là hộ gia đình ký hợp đồng dài hạn mà thường chỉ là riêng lẻ, thời vụ nhưng quan trọng hơn cả là “độ khó” khi tác nghiệp tại hộ gia đình thường lớn hơn tại các công ty doanh nghiệp ở chỗ nhiều nội thất và nhiều ngóc ngách nên rất khó để xử lý công việc.

Công Quang

Peter Dussmann - Ông vua dịch vụ vệ sinh, bảo vệ

Đến thành phố Berlin, ai cũng phải ghé thăm trung tâm thương mại mang tên Dussmann chuyên bán các sản phẩm về văn hoá và liên quan đến văn hoá. Đây là toà nhà 7 tầng toạ lạc tại phố Friedrich nổi tiếng giữa trung tâm thành phố.

Người dân bản xứ ai cũng biết đến ông chủ Peter Dussmann giàu có của trung tâm thương mại này. Thế nhưng, thu nhập từ thương mại chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, phần thu nhập chủ yếu trong hoạt động kinh doanh của Peter Dussmann lại từ khu vực dịch vụ. Hiện tập đoàn Dussmann có mặt tại 30 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Peter Dussmann Ong vua dich vu ve sinh bao ve

Peter Dussmann đang thành công với những dịch vụ được coi là đơn giản nhất.

Peter Dussmann là một doanh nhân rất thành đạt và giàu có. Sự nghiệp kinh doanh của ông là một minh chứng tuyệt vời cho những người mới khởi nghiệp kinh doanh hay có ý tưởng kinh doanh. Rõ ràng trên thị trường luôn có những nhu cầu đơn giản nhưng rất cần thiết. Nếu ai quyết tâm đều có thể làm được.

Peter Dussmann là một người như thế. Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh và vẫn rất đang thành công với những dịch vụ được coi là đơn giản nhất.

Sau hơn 40 năm xây dựng từ hai bàn tay trắng, Peter Dussmann hiện đang có một tập đoàn lớn nhất thế giới về lĩnh vực dịch vụ đang ngày càng đắt giá này. Tập đoàn Dussmann hiện có hơn 56.000 người làm và đạt doanh số hàng năm trên 1,5 tỉ USD.

Bên cạnh các dịch vụ vệ sinh, Dussmann ngày càng phát triển với dịch vụ chăm sóc người già, quản lý nhà dưỡng lão. Các hoạt động cung cấp dịch vụ cho các nhà ăn tập thể hay suất ăn công nghiệp cũng đang là một lĩnh vực đem lại doanh thu cao cho tập đoàn. Năm 2003, tập đoàn Dussmann đã nhận được một hợp đồng làm dịch vụ nhà bếp và cung cấp suất ăn cho quân đội Đức. Tổng cộng 14 điểm đóng quân của quân đội đã được cung cấp thức ăn hàng ngày bởi Dussmann.

Không chỉ là vấn đề giá thành, mà quan trọng hơn là những ưu thế về công nghệ, về đảm bảo vệ sinh an toàn cho một khối lượng suất ăn rất lớn hàng ngày đã giúp ông chủ Peter Dussmann được tin tưởng và thắng thầu.

Trước kia, tập đoàn Dussmann có trụ sở tại thành phố Munich. Sau này, với chiến lược phát triển sang Đông Âu, ông chủ Peter Dussmann đã chuyển trụ sở về Berlin, một lâu đài cổ kính ở vùng ngoại ô đã được Peter Dussmann mua lại và tu sửa khá tốn kém.

Peter Dussmann còn được biết đến là một doanh nhân đam mê với văn hoá. Không chỉ mua một lâu đài cổ ở Berlin, mà còn một số nhà, lâu đài cổ khác được ông mua lại và tu sửa và không tính toán nhiều về kinh tế. Trung tâm thương mại nổi tiếng mang tên ông cũng chuyên bán các sản phẩm văn hoá.

Ngoài ra, người ta biết ông còn có cả một cơ ngơi khá đồ sộ tại Malibu, Mỹ để thường xuyên đi lại. Đây là thành phố nổi tiếng sang trọng bậc nhất và đắt đỏ khi phần lớn các cư dân ở đó là những đại gia giàu có trong giới các ngôi sao Hollywood.

Không muốn phải làm theo lệnh người khác

Peter Dussmann sinh ngày 5 tháng 10 năm 1938 tại Rottweil, một thị trấn nhỏ vùng tây nam nước Đức. Cha của ông làm nghề kinh doanh sách và có một hiệu sách nhỏ nhưng lại mất sớm khi Peter Dussmann mới có 5 tuổi.

Peter Dussmann không phải là con người của nghiệp học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Peter Dussmann học nghề bán hàng trong vòng 3 năm tại một trường dạy nghề. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, Peter Dussmann bắt đầu kiếm sống bằng nghề bán hàng cho nhiều công ty khác nhau.

Có lẽ ngay từ bấy giờ Peter Dussmann đã bộc lộ nhiều ý tưởng kinh doanh nhưng không thực hiện được bởi chỉ là người làm thuê. Sau này, khi đã thành đạt, Peter Dussmann thừa nhận, ông trở thành doanh nhân rất sớm khi không muốn làm việc theo lệnh người khác. Ông cho rằng sự độc lập trong quyết định là rất quan trọng với mình.

Chính vì quan điểm rõ ràng như vậy mà Peter Dussmann đã bỏ làm thuê, ra kinh doanh từ rất sớm, khi ông mới 25 tuổi. Tập đoàn của ông phát triển và lớn như vậy nhưng về bản chất Peter Dussmann vẫn nắm quyền chi phối hoàn toàn.

Từ năm 2003, dù có chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng Tổng giám đốc điều hành chỉ là người làm thuê thuần tuý. Peter Dussmann vẫn trực tiếp tham gia khá sâu vào điều hành và quyết định mọi công việc kinh doanh quan trọng.

Không có nhiều vốn trong tay, nhưng lại quyết tâm ra kinh doanh bằng mọi giá nên Peter Dussmann đã lựa chọn dịch vụ vệ sinh. Khi đó Peter Dussmann đã sớm nhận thấy rằng một bộ phận thanh niên trẻ mà ông quen biết rất có nhu cầu cần người dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa hàng tuần, hàng tháng.

Thế là, năm 1963, Peter Dussmann bỏ việc làm thuê mà mở ngay một công ty chuyên làm dịch vụ vệ sinh nhà ở. Công ty ban đầu chỉ có 10 người kể cả ông chủ. Peter Dussmann ý thức rằng nghề này ban đầu không cần nhiều vốn nhưng lại rất cần sự chăm chỉ cần cù và cẩn thận của những người làm.

Ngay từ đầu Peter Dussmann đã rất chú ý xây dựng uy tín cho một nghề tưởng là đơn giản nhưng lại rất khó chiều lòng khách hàng này. Mới đầu ông nhận làm vệ sinh cho các căn hộ, nhà riêng. Thế nhưng càng về sau càng có nhiều toà nhà, cơ quan, công sở cũng có nhu cầu này.

Công ty dịch vụ vệ sinh của Peter Dussmann hoạt động tốt và phát triển rất nhanh. Lúc đó hầu như ông chưa sử dụng các công cụ quảng cáo, quảng bá mà những hình ảnh tốt về công ty, về dịch vụ được truyền miệng, giới thiệu từ người này qua người khác.

Chỉ 5 năm sau, Peter Dussmann có một hợp đồng lớn đầu tiên là làm dịch vụ vệ sinh dọn dẹp tại một bệnh viện của thành phố.

Dịch vụ vệ sinh cũng cần phải học

Làm nghề dịch vụ nên trong đầu Peter Dussmann lúc nào cũng có ý tưởng sao cho những dịch vụ của mình phải hoàn hảo nhất, có chất lượng cao nhất. Và điều này trước hết phụ thuộc rất nhiều vào công nhân.

Peter Dussmann khó tính trong tuyển chọn nhưng điều quan trọng hơn là ông rất chú trọng đào tạo người lao động. Nghề nào cũng phải đào tạo và nghề làm dịch vụ vệ sinh cũng vậy. Càng phục vụ những khách hàng lớn thì vấn đề đào tạo cho công nhân lại càng quan trọng. Và nghề dịch vụ vệ sinh không phải dễ tìm nơi đào tạo. Tập đoàn Dussmann phải tự đào tạo lấy nhân viên là chính.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và giám sát chất lượng của tập đoàn nổi tiếng là chặt chẽ. Có thế Dussmann mới đáp ứng được những yêu cầu phục vụ rất cao của các khách hàng như bệnh viện, nhà dưỡng lão, công sở lớn.

Tập đoàn Dussmann được đánh giá rất cao về cả ý nghĩa xã hội của nó. Những ngành nghề mà Dussmann thực hiện thu hút rất nhiều nhân lực. Nhiều người không còn đủ khả năng làm việc ở nơi khác đã được tiếp nhận để đào tạo và làm việc.

Tập đoàn Dussmann đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân. Cũng chính vì lí do đó mà tập đoàn có mặt ở nhiều nước và đến đâu cũng rất được sự chào đón ủng hộ nhiệt tình. Peter Dussmann không chỉ mang đến một dịch vụ chất lượng cao mà còn tạo nhiều việc làm. Chiến lược của Dussmann là dùng hoàn toàn người bản xứ, kể cả cấp quản lý.

Peter Dussmann được biết đến là người luôn nghĩ đến các khách hàng, đến các nhu cầu dịch vụ của họ. Không chỉ luôn tự nâng cao chất lượng dịch vụ cho mình, Peter Dussmann còn nổi tiếng với tư cách là một doanh nhân luôn đấu tranh đòi sửa đổi các qui định không có lợi cho khách hàng, không đáp ứng được nhu cầu của họ.

Nhận thấy giờ bán hàng của các cửa hàng, trung tâm thương mại được qui định muộn nhất là 19 giờ chưa tốt với người tiêu dùng, ông đã đòi được phục vụ khách hàng muộn hơn. Trung tâm thương mại Dussmann là nơi đầu tiên ở Đức đã mở cửa phục vụ khách hàng hàng ngày đến tận 22 giờ tối.

Nhiều nhà phân tích và giới truyền thông đã ví như đây là một cuộc cách mạng trong quan điểm kinh doanh theo hướng làm dịch vụ tốt hơn, phục vụ “thượng đế” nhiều hơn.

Nghề dịch vụ cũng cần có công nghệ hiện đại

Để được như ngày nay, Peter Dussmann đã có cả một quá trình xây dựng tập đoàn không ngừng nghỉ và cả những đầu tư rất đáng kể.

Nếu trước kia ai nghĩ rằng những hoạt động dịch vụ giản đơn không cần công nghệ hiện đại là sai lầm. Bên cạnh một cách quản lý chuyên nghiệp, giám sát chất lượng chặt chẽ, một yếu tố thành công quan trọng của Peter Dussmann là có công nghệ hiện đại.

Để có thể làm vệ sinh được những toà nhà cao ốc lớn, Peter Dussmann không chỉ có những con người lao động cần mẫn, mà còn phải có các phương tiện, công cụ làm việc hiện đại. Các khách hàng ngày nay chỉ cần nhìn vào những chiếc máy hút bụi, máy đánh bóng, hệ thống thang máy, dây bảo hiểm cho những người công nhân làm dịch vụ vệ sinh là có thể đánh giá khá chính xác tính chuyên nghiệp của nhà cung cấp dịch vụ.

Đối với các dịch vụ bảo vệ toà nhà thì Peter Dussmann lại phải trang bị các hệ thống theo dõi bằng camera, hệ thống chuông báo động,... Ông chủ của tập đoàn Dussmann nổi tiếng là người căn cơ, tiết kiệm nhưng vẫn rất quyết đoán khi đầu tư mạnh tay vào các công cụ, trang thiết bị hiện đại nhất.

Đó cũng chính là sự chuyên nghiệp của Dussmann. Chính vì vậy mà tập đoàn đã nhận được nhiều hợp đồng rất lớn như làm dịch vụ vệ sinh cho nhà ga xe lửa, cho các bệnh viện, làm vệ sinh và bảo vệ, quản lý cho các toà nhà lớn.

Năm 2003, Peter Dussmann đã có được một hợp đồng dịch vụ lớn nhất trong lịch sử với tập đoàn công nghiệp Infineon. Theo hợp đồng này thì tập đoàn Dussmann nhận thực hiện cung cấp trọn gói toàn bộ mọi dịch vụ văn phòng, dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, nhà ăn,... cho tất cả toàn bộ các trụ sở, nhà máy làm việc của Infineon trên địa bàn toàn châu Âu.

Để quản lý một cách chặt chẽ, chất lượng đảm bảo, hiệu quả kinh doanh cao, Peter Dussmann đã chia tập đoàn thành ba lĩnh vực dịch vụ chính với thương hiệu riêng. Pedus Service là lĩnh vực vệ sinh cho các toà nhà đồng thời với việc cung cấp suất ăn công nghiệp hoặc làm dịch vụ nhà bếp. Pedus Office là dịch vụ chuyên cho các văn phòng, cơ quan làm việc, trong đó bao gồm cả việc cho thuê, bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị máy văn phòng. Lĩnh vực thứ ba là Kursana chuyên về dịch vụ trọn gói cho các trung tâm điều dưỡng, nhà dưỡng lão.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

Đầu tư 6 tỷ đồng cải thiện môi trường làm việc của công nhân

Công ty May da Sài Gòn vừa hoàn thành công trình "Nâng cấp xây dựng mở rộng xí nghiệp May da 1" với tổng kinh phí đầu tư gần 1,8 tỷ đồng, góp phần bảo đảm an toàn và sức khỏe cho công nhân, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Công trình được bắt đầu từ ngày 30/1 và hoàn thành vào 30/3. Ông Trần Quang Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc công ty cho biết, ngày 28/4 này, công ty sẽ hoàn thành công trình nhà ăn cho công nhân với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng và sẽ xây dựng toàn bộ hệ thống nhà xưởng của công ty với tổng kinh phí 6 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân và phát triển sản xuất.

Công ty May da Sài Gòn hiện có 1.748 lao động, thu nhập bình quân đạt 1 triệu đồng/người/tháng.

(Theo Người Lao Động)