Hotline: 0972 999 661

Thật giả thiết bị vệ sinh

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thiết bị vệ sinh do doanh nghiệp (DN) trong nước, DN liên doanh sản xuất và nguồn hàng nhập khẩu từ Nhật, Italy, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh hàng chính hãng là vô số hàng nhái, giả, nhất là các loại phụ kiện và các thiết bị đi kèm. Người mua không rành rất dễ bị nhầm lẫn.

Giống như sản phẩm gạch lát, hầu hết các DN sản xuất sứ vệ sinh (bàn cầu và lavabo) đều nhập dây chuyền công nghệ từ các nước tiên tiến, vì vậy chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Nước men, màu sắc, đặc biệt là hệ thống 2 độ xả ứng dụng hiệu ứng xi-phông xả êm, sạch mà tiết kiệm đến phân nửa lượng nước không thua kém hàng ngoại nhập. Song, gần đây nhiều người tiêu dùng khi sử dụng bàn cầu nội đã gặp phải trường hợp bị rò rỉ nước từ bồn xả với một lượng nước hao hụt đáng kể mà không sao khắc phục được.

Những nhãn hiệu sứ vệ sinh nhập ngoại đã có mặt từ lâu trên thị trường, như: Villerog & Boch (Đức), Toto (Nhật), Cotto (Thái Lan), Ariston (Italy), Emily (Đài Loan), Champion (Thái Lan), Kelim (Hàn Quốc)... hiện vẫn thu hút người tiêu dùng nhưng theo giới kinh doanh, khi mua cần đặc biệt quan tâm đến các phụ kiện vì rất dễ bị người bán đánh tráo phụ kiện “dỏm”.

Chị Hồng Cẩm, chủ cửa hàng chuyên doanh sứ vệ sinh Minh Trang ở đường Lý Thường Kiệt, quận10, TP HCM cho biết: “Có lẽ khách hàng chọn mua hàng ngoại không chỉ để an tâm về chất lượng mà còn là vấn đề tâm lý. Chính quan điểm “sính ngoại” này mà hàng nhái, giả vẫn còn chỗ để tồn tại”.

Đi kèm với thiết bị sứ vệ sinh là các thiết bị không thể thiếu như vòi lavabô, vòi xả, vòi sen... Nhìn những chiếc vòi nước mang các thương hiệu đang “ăn khách”, như: Toto, Yoko (Nhật), Croche (Đức), Joden (Hàn Quốc), Coma, Inda, Flexton, Newform (Italy)..., nếu không phải là người am hiểu thì khó mà phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, giả bởi chúng giống nhau từ kiểu dáng, kích cỡ, nhãn mác đến lớp xi mạ bóng loáng.

Phần lớn hàng nhái, giả mang nhãn hiệu cao cấp được nhập lậu từ Trung Quốc. Còn hàng giá “bèo” thường có xuất xứ từ... Chợ Lớn. Loại hàng “dỏm” này rất nhanh hỏng bởi các linh kiện bên trong đều được sản xuất từ vật liệu không đúng chủng loại. Chẳng hạn cốt vòi nước thay vì bằng inox thì được làm bằng nhựa cứng; van đóng-mở đúng kỹ thuật phải là gốm thì được thay bằng nhựa giòn và các bánh răng giữa cốt cũng bị tình trạng tương tự nên rất dễ gãy, vỡ hoặc khóa không chặt gây rò rỉ nước.

Ông Đặng Cao Khanh, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cơ khí xây dựng Tân Định, sản xuất và kinh doanh vòi sen hiệu Valta, Fico, cho biết: “Các loại thiết bị vòi sen giả thường có độ bền rất thấp. Sau một thời gian sử dụng lớp xi mạ sẽ bong tróc, núm vặn tuột răng, vòi bị nghẹt nước hoặc rò rỉ nước”. Loại hàng rởm thường có giá bán chỉ bằng 25 - 50% giá hàng chính phẩm. Chẳng hạn vòi lavabo hiệu Joden của Hàn Quốc giá khoảng 1,1 triệu đồng/bộ, còn hàng “dỏm” của Trung Quốc chỉ khoảng 220 - 250 nghìn đồng/bộ.

Theo giới kinh doanh, hiện nay vòi sen tắm là sản phẩm bị nhái, giả nhiều nhất do có giá bán khá cao, nhiều lợi nhuận. Vòi sen thường đi theo bộ gồm vòi sen và vòi xả dính liền nhau. Những trục trặc thường gặp đối với loại hàng “dỏm” là tuột núm vặn, dây dẫn thường bị gãy, móp gây kẹt nước, làm giảm áp lực nước. Đối với loại hàng này chỉ cần hư 1 trong 2 núm vặn hay cần gạt (điều khiển nóng và lạnh) là phải bỏ nguyên cả bộ vì ít có phụ tùng lẻ để thay thế.

Các nhãn hiệu đang bán chạy nhất là Cotto, Toto, American Standard... Loại có giá bán cao nhất hiện nay là Villerog & Boch lên đến khoảng 10 triệu đồng/bộ; hàng Cotto giá trung bình khoảng 3,8 - 5 triệu đồng/bộ; hàng American Standard có giá linh hoạt từ 900.000 đồng đến 4 triệu đồng/bộ... Cùng nhãn hiệu nhưng giá bán cao hay thấp là tùy thuộc vào kiểu dáng, chủng loại...

(Theo Người Lao Động)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét